TÌM TOUR
Tin tức
Du Lịch Bắc Kinh - Thượng Hải - Chu Gia Giác - Hàng Châu - Tô Châu
Bắc Kinh - Thượng Hải - Hàng Châu - Tô Châu là hành trình với bốn địa điểm nổi tiếng. Xuyên suốt chuyến đi, bạn sẽ được ngắm nhìn và khám phá một Trung Hoa từ nhiều góc cạnh khác biệt đầy thú vị.
Điểm Đặc Sắc Tại Bắc Kinh
Bắc Kinh là một trong “Tứ đại cố đô” của Trung Quốc, thủ phủ của 6 vương triều và nhà nước gồm Kế (thế kỷ XI - VII trước công nguyên), Yên (thế kỷ XI - 222 trước công nguyên), Nguyên (1271 - 1368), Minh (1421-1644), Thanh (1644 - 1911), Trung Hoa Dân Quốc (1912 - 1949) và cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949 - nay).
Trải qua hơn 800 năm lịch sử với nhiều triều đại khác nhau, nhưng những điểm quần thể kiến trúc cổ gần như được lưu giữ nguyên vẹn. Trong đó phải kể đến nhiều địa điểm nổi tiếng không thể bỏ lỡ sẽ được VGI Travel giới thiệu ngay sau đây!
Vạn Lý Trường Thành
Vạn Lý Trường Thành có nghĩa là “bức tường dài vạn dặm” - một kiến trúc cổ đại được cho rằng bắt nguồn từ thời Tây Chu. Đến thời nhà Tần, Tần Thủy Hoàng đã cho sửa chữa, nối liền và xây thêm. Từ đó, tên gọi Vạn Lý Trường Thành ra đời. Lần cuối cùng Vạn Lý Trường Thành được tu sửa là vào thời nhà Minh. Vậy nên cấu trúc thiết kế như ta thấy ngày nay về Vạn Lý Trường Thành đều mang đậm dấu ấn của thời kỳ này.
Để xây dựng nên bức tường thành vĩ đại trường tồn thời gian, gần 10 triệu binh lính và dân thường đã được yêu cầu tham gia xây dựng suốt từ thời nhà Tần đến nhà Hán.
Trong thời kỳ nhà Tần xây dựng, nơi đây đã có hàng trăm ngàn đến một triệu người đã thiệt mạng do những cuộc tấn công bất ngờ từ phe đối địch với triều đình. Vậy nên trong sử sách, Vạn Lý Trường Thành còn có tên gọi “Nghĩa địa dài nhất Trái Đất”. Vì vậy khi nhắc đến địa điểm này, không thể thiếu những câu chuyện truyền thuyết ma mị liên quan.
Một số cửa quan nổi tiếng bạn có thể ghé thăm dọc theo Vạn Lý Trường Thành như Sơn Hải Quan, Gia Dục Quan, Nương Tử Quan, Ngọc Môn Quan, Nhạn Môn Quan, …
Thập Tam Lăng
Thập Tam Lăng hay Minh Thập Tam Lăng còn được biết đến là khu lăng mộ của 13 vị hoàng đế, 23 hoàng hậu, 1 phi tần, cùng một vài nhân vật quyền quý triều đại nhà Minh.
Tuy là hoàng lăng, nhưng có ba vị vua không được chôn cất tại nơi đây. Đầu tiên là Hồng Vũ Đế (Chu Nguyên Chương) được chôn cất tại Nam Kinh, Kiến Văn Đế - người bị chú mình Minh Thành Tổ lật đổ, và Cảnh Thái Đế - người không được công nhận là kế vị chính thống, hiện được chôn cất tại phía Tây Bắc Kinh.
Là một quần thể Lăng mộ Hoàng Gia được lưu giữ từ thời cổ đại đến nay, Thập Tam Lăng đã đã được UNESCO công nhận Di sản thế giới cùng với hoàng lăng nhà Thanh, gọi cung là Lăng tẩm Hoàng gia Minh - Thanh.
Quảng trường Thiên An Môn
Quảng trường Thiên An Môn, trong lịch sử hiện đại được biết đến như địa điểm hoạt động chính trị. Tuy nhiên ít người biết rằng, Thiên An Môn có tên gọi là Thừa Thiên Môn được xây dựng vào năm Vĩnh Lạc thứ 15 thời nhà Minh (1417).
Cái tên Thừa Thiên Môn có nghĩa là “mang theo vận mệnh từ trời” hay “nhận lệnh từ trời”, được thiết kế bởi kiến trúc sư nhà Minh, Kuai Xieng. Tuy nhiên, có một giả thuyết cho rằng, Thiên An Môn được xây dựng thiết kế dựa theo Triều Dương Lầu (Kiến Thủy, Vân Nam).
Giả thuyết này lý giải rằng, Tiểu Thiên An Môn hay Triều Dương Lầu vốn được xây dựng năm Hồng Vũ thứ 22 nhà Minh (1389) trước Thiên An Môn (Bắc Kinh), bởi một kiến trúc sư người được cho là sư phụ của Kuai Xieng nên mới có sự trùng hợp về thiết kế như vậy.
Cố Cung - Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành hay còn được biết đến là Cố Cung Bắc Kinh, là một trong tứ đại Cố Cung nổi tiếng của Trung Quốc. Nơi đây là cung điện hoàng gia từ thời nhà Minh đến nhà Thanh, với hơn 70 cung điện lớn nhỏ.
Tử Cấm Thành là một trong những kiến trúc cổ bằng gỗ lớn và được bảo tồn tốt nhất thế giới. Điều này được chứng minh qua việc dù trải qua hơn 200 trận động đất, vẫn kiên cố vững vàng.
Vào năm 1987, Tử Cấm Thành được USNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, và được mở một phần trở thành “Bảo tàng Tử Cấm Thành”. Tại đây, hiện trưng bày những cổ vật số lượng lớn được khai quật từ thời nhà Minh - Thanh.
Hiện tại, vẫn còn nhiều khu vực trong Tử Cấm Thành vẫn được đóng kín, và không mở cửa cho người tham quan. Không rõ lý do là gì nhưng việc này càng gây tò mò cho công chúng khi vào tham quan.
Những cung viện không được mở và việc đóng cửa sau 5 giờ chiều, càng khiến những truyền thuyết về những vong hồn từng được lan truyền lại trong Tử Cấm Thành thêm phần kỳ bí.
Nhiều nhà văn, đạo diễn, biên kịch vì thế cũng dựa trên những truyền thuyết dân gian này để thêu dệt nên nhiều tác phẩm cung đấu như Bộ Bộ Kinh Tâm, Diên Hy Công Lược, Như Ý Truyện, Chân Hoàn Truyện, … Ngoài ra, không thể không nhắc đến bộ phim Hoàng Đế Cuối Cùng (1987), bộ phim đầu tiên được phép quay trong Tử Cấm Thành.
Hiện tại, để đảm bảo an toàn, lượng du khách được cho phép vào thăm Cố Cung giới hạn 80.000 mỗi ngày. Chính vì lý do đó, nên để có được tấm vé vào thăm nơi đây rất khó khăn. Trong trường hợp không có cơ hội ghé thăm Cố Cung, bạn hoàn toàn có thể thăm quan một điểm đến khác mang vẻ đẹp phồn hoa được sánh ngang với cung điện của hoàng đế - Phủ Hòa Thân.
Cung Vương Phủ (Phủ Hòa Thân)
Cung Vương Phủ hay Phủ Hòa Thân, được coi như một phần minh chứng cho di sản, văn hóa và thời kỳ phồn thịnh của Nhà Thanh. Chủ nhân của vương phủ này đều là những người có uy quyền nhất “dưới một người trên vạn người” vào thời nhà Thanh.
Chủ nhân đầu tiên, Hòa Thân, là nhân vật nổi tiếng được biết đến trong lịch sử và hình tượng phim ảnh như một sủng thần của vua Càn Long.
Dưới thời vua Khang Hi và Càn Long, Hòa Thân có thể coi là vị quan giàu có bậc nhất triều đình. Có một câu nói dân gian lưu truyền mô tả về sự giàu có của ông như sau “ Thứ gì Càn Long có, Hòa Thân chắc chắn sẽ có. Nhưng thứ Càn Long không có, chưa chắc Hòa Thân đã không có.”
Phủ Hòa Thân chính là một trong những công trình đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc không hề kém cạnh Cố Cung, thậm chí có phần hơn vì sự công phu và tinh xảo trong thiết kế. Lời đồn về 9.999 con dơi mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng được thiết kế đầy khéo léo tại khắp vương phủ. Hình dáng những con dơi được làm tinh xảo đến mức, nếu không chú ý sẽ không thể nhận ra.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng vương phủ này còn ẩn giấu một “con dơi” đặc biệt tạo nên 10.000 con dơi, chính và chữ Phúc được Hòa Thân giấu kín trong hang động Mật Vân của biệt phủ. Bia đá chữ Phúc này được hoàng đế Khang Hy chính tay ngự bút mang ý nghĩa “đa điền đa, tử, đa tài, đa thọ”, được coi là chữ Phúc đẹp nhất thiên hạ.
Vốn chữ Phúc này được Khang Hy đế viết để cầu phúc cho Hiếu Trang thái hoàng thái hậu, sau được tạo tác lên bia đá. Có người cho rằng chữ Phúc sau này được vua Càn Long ban cho Hòa Thân, nhưng cũng có giả thuyết cho rằng Hòa Thân đã trộm nó nên mới cần giấu kín trong mật động của phủ.
Thời vua Gia Khánh, khi phủ Hòa Thân bị điều tra, tấm bia đã kia đã được phát hiện. Tuy nhiên, không biết bằng cách nào, Hòa Thân đã gắn chữ Phúc ngay tại điểm được coi là long mạch của Đại Thanh. Vì vậy, Hoàng đế cũng không thể thu hồi, chỉ có thể niêm phong cửa động. Người đời cho rằng, nhờ có chữ Phúc ấy, mà Hòa Thân mới có thể bình an vô sự làm tham quan cả một đời.
Chủ nhân thứ hai của viện phủ này là Khánh Hy Thân vương Vĩnh Lân, con trai út của vua Càn Long và em trai vua Gia Khánh. Thông tin về về vị vương gia kế thừa này khá ít ỏi, chỉ biết sau khi Hòa Thân bị Gia Khánh đế tru di, Vĩnh Lân khi này đương chức Quận vương đã cầu vua đặc biệt ban cho phủ Hòa Thân.
Chủ nhân thứ ba, cũng là chủ nhân cuối cùng của phủ đệ xa hoa này, Cung Trung Thân Vương Dịch Hân. Cũng từ đây, vương phủ này được đổi tên thành Cung Vương Phủ. Ông là con trai thứ sáu của Hoàng đế Đạo Quang, từng được cân nhắc trở thành trữ quân kế nhiệm.
Trong chính sử Thanh triều có ghi chép, ông và Từ Hy Thái Hậu có mối quan hệ thân thiết, từng phò tá vị thái hậu này chiếm quyền nhiếp chính. Tuy nhiên, vì lòng đa nghi, vị thái hậu khét tiếng Thanh đã tìm cách hạ bệ ông. Sau này, con cháu của Cung Trung Thân Vương đã đem phủ đệ bán lại cho Giáo hội và được trưng dụng cho nhiều mục đích thời Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Tuy trải qua nhiều thăng trầm biến cố, nhưng Cung Vương phủ (Phủ Hòa Thân) vẫn lưu giữ được vẻ đẹp xa hoa, cùng nhiều hiện vật hiếm có còn được lưu giữ và trưng bày đến ngày nay.
Đền Thiên Đàn
Đền Thiên Đàn, có nghĩa là Đàn tế Trời, là một điện thờ có giá trị văn hóa cao, được UNESCO xếp vào Di sản văn hóa Thế Giới. Thiên Đàn là đàn tế lớn nhất ở Bắc Kinh, được xây dựng từ thời nhà Minh. Xuyên suốt triều đại Minh - Thanh, đây là địa điểm thực hiện những nghi lễ tế trời quan trọng nhất trong năm.
Trải qua nhiều đời vua với nhiều lần sửa đổi, Thiên Đàn vừa có giá trị lịch sử, khoa học, giá trị nghệ thuật độc đáo, và được coi là biểu tượng của văn hóa, thời gian và không gian.
Di Hòa Viên
Di Hòa Viên còn có tên gọi khác là Cung điện mùa hè. Cung điện này được xây dựng từ thời nhà Thanh, nằm ở ngoại ô phía Tây Bắc Kinh. Dựa trên đặc điểm địa hình, vào mùa đông mặt hồ Côn Minh đóng băng tạo nên khung cảnh huyền ảo, còn mùa hè trở nên mát mẻ. Đây cũng là lý do nơi này được Từ Hy Thái Hậu rất yêu thích.
Nhà thuốc Đồng Nhân Đường
Có thể bạn chưa biết nhưng đây là một trong những nhà thuốc lâu đời bậc nhất Bắc Kinh. Nơi đây được thành lập vào năm Khang Hy thứ 8 (1669). Đến thời Ung Chính nguyên niên (1723) nơi đây trở thành hiệu thuốc duy nhất được quyền chăm sóc sức khỏe cho các hoàng đế nhà Thanh bên cạnh Thái Y Viện.
Chính bởi lịch sử huy hoàng và vẫn trường tồn qua thời gian như vậy, nên những sản phẩm tại Đồng Nhân Đường vẫn luôn được bán với giá rất đắt đỏ đến kinh ngạc.
Phố Vương Phủ Tỉnh
Vào thời nhà Minh, đây là con phố sầm uất với các hoạt động thương mại. Đến thời nhà Thanh, khi phát hiện một giếng nước ngọt nên rất đông quan lại, thân vương quyền quý đến sinh sống tại đây, vì vậy mới có tên là Vương Phủ Tỉnh.
Hiện tại, những kiến trúc xưa cũ đã gần như không còn trên con phố này, nhưng đã được quy hoạch thành phố đi bộ với nhiều cửa hàng thương mại sầm uất. Hiện vẫn còn nhiều cửa tiệm lâu đời bày bán các món ăn và sản vật truyền thống của Bắc Kinh.
Sân vận động Tổ Chim
Không có lịch sử lâu đời như những điểm đến trên nhưng Sân vận động Quốc gia Tổ Chim lại là một điểm đến nên ghé thăm một lần để thấy sự hoành tráng của hãng kiến trúc sư Thụy Sỹ nổi tiếng Herzog & de Meuron.
Ẩm thực Bắc Kinh
Nhắc đến ẩm thực Bắc Kinh, không thể bỏ qua đặc sản vịt quay, món ăn đại diện ẩm thực Bắc Kinh. Món ăn này có nguồn gốc từ thời Nam và Bắc triều, là một trong những món ăn cung đình nổi tiếng với da giòn, thịt mềm và thơm mùi than nướng.
Là một trong tứ đại Cố Cung, nên không thấy lạ khi những món ăn chính thống lại đến từ cung đình nhà Thanh như vi cá mập om, thịt thái chỉ xào tương, cá phi lê chiên, hải sâm Bắc Kinh, Bắc Kinh ba chống dính, …
Ngoài ra, bạn có thể thưởng thức nhiều món ăn đường phố lâu đời khác ở Bắc Kinh với mức giá rẻ hơn như mỳ tương đen, bánh nếp cuộn (bánh cuốn lừa), bánh đậu vàng, gà Kongpao, kẹo hồ lô, …
Điểm Đặc Sắc Tại Thượng Hải
Khác với một Bắc Kinh cổ kính, Thượng Hải mang đến cho chúng ta một hình ảnh năng động của một trung tâm kinh tế, tài chính, và thương mại. Lịch sử của Thượng Hải không có gì quá nổi bật trong thời cổ đại, chỉ đến cuối thời nhà Thanh khu vực này mới trở thành một những địa điểm trọng yếu.
Thành phố Thượng Hải
Dưới thời vua Đạo Quang nhà Thanh, Thượng Hải trở thành một cảng thương mại và lần lượt trở thành khu tô giới của Anh và Mỹ. Chính vì vậy, khi đến Thượng Hải, bạn sẽ khó để bắt gặp những kiến trúc cổ đại như Bắc Kinh.
Tuy nhiên, một địa điểm không thể bỏ qua khi đến thành phố này là Bến Thượng Hải. Bối cảnh của rất nhiều bộ phim và tác phẩm văn học Trung Hoa nổi tiếng.
Khu Hoàng Phố
Dọc theo bờ sông khu Hoàng Phố là Bến Thượng Hải nổi tiếng. nơi đây có hàng chục tòa nhà lịch sử là trụ sở của nhiều cơ quan, ngân hàng, tòa nhà thương mại của các nước Châu Âu như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nga, … và Nhật. Hiện nay, Bến Thượng Hải là một trong những điểm check-in được yêu thích bởi nhiều bạn trẻ.
Cùng thuộc khu vực Hoàng Phố, sông Hoàng Phố là một trong những địa điểm du lịch du thuyền, khi bạn có thể ngắm nhìn một bên Bến Thượng Hải nhuốm màu lịch sử, và một bên hiện đại phồn hoa.
Khu Phố Đông - Phố Tây
Khu Phố Đông - Phố Tây là cách gọi để phân chia khu vực hiện đại và cổ kính ở thành phố Thượng Hải. Khu phố Tây - cổ kính bao gồm những căn nhà cổ kính thuộc Bến Thượng Hải. Trong khi đó khu phố Đông - hiện đại, tuy từng là một vùng đất được coi là của người nghèo, nhưng hiện tại đã trở mình thành đô thị hiện đại với những công trình đồ sộ và hiện đại nhất Thượng Hải.
Chùa Ngọc Phật
Chùa Ngọc Phật còn gọi là Phật Ngọc Thượng Hải, là một trong những điểm nổi bật của khu phố Tây, với nét đẹp cổ kinh và độc đáo. Ngôi chùa có lịch sử từ thời nhà Thanh, tuy nhiên trong chiến tranh, nơi đây từng bị phá hủy và đã được phục dựng lại sau đó.
Từ năm 1976 đến nay, nơi đây chính thức được mở cửa trở thành điểm đến cho những tăng lữ, phật tử tham quan và bái lễ.
Miếu Thành Hoàng
Người châu Á nói chung thường có tục lệ thờ cúng vị thần bảo trợ cho địa điểm sinh sống, và Miếu Thành Hoàng Thượng Hải cũng có vai trò như vậy.
Ban đầu, miếu thờ thần núi Kim Sơn, nhưng vào thời Minh Thành Tổ, miếu thờ vị Hoàng Thành Hoắc Quan - một đại thần phụ chính thời nhà Hán.
Đến thời nhà Thanh, ngôi miếu trở nên nổi tiếng, và thờ thêm hai vị gồm Tần Dụ Bá - một vị quan dưới thời Hồng Vũ Đế (Chu Nguyên Chương) và Trần Hóa Thành - mộ vị tướng thời nhà Thanh có công bảo vệ Thượng Hải trong chiến tranh nha phiến lần thứ nhất.
Quảng Trường Nhân Dân
Nằm ở Trung tâm khu Hoàng Phố, quảng trường Nhân dân Thượng Hải là địa điểm dùng để tổ chức những sự kiện quan trọng của thành phố. Vào những dịp lễ quan trọng, bạn có thể tham gia các sự kiện đặc sắc được tổ chức.
Tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu
Là một biểu tượng kiến trúc giữa lòng Thượng Hải, tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu trở thành điểm đến không thể bỏ qua. Đối diện với Bến Thượng Hải, nằm bên phố Đông, tòa tháp không chỉ có vai trò là tháp truyền hình mà còn được biết như một địa điểm vui chơi sầm uất.
Vào buổi đêm, tòa tháp sáng rực rỡ như viên minh châu khổng lồ thu hút nhiều bạn trẻ đến check-in tại đây.
Cổ Trấn Chu Gia Giác
Nếu để tìm kiếm và ngắm nhìn vẻ đẹp cổ kính của Thượng Hải, bạn nhất định phải ghé qua Cổ trấn Chu Gia Giác.
Là một trấn cổ còn tồn tại giữa đô thị phồn hoa như Thượng Hải, trấn cổ Chu Gia Giác hay còn gọi là làng Chu Gia sở hữu giao thông đường thủy độc đáo, phát triển ngành thương mại trên sông.
Vào cuối thời nhà Minh, đầu thời nhà Thanh, ngành trồng lúa ở đây đặc biệt phát triển, kéo theo lượng lớn thương nhân tập trung về khu vực này, và biến nơi đây sầm uất, nhộn nhịp người qua lại.
Điểm Đặc Sắc Tại Hàng Châu
Hàng Châu khác Thượng Hải khoảng 180 km về phía Tây Nam, là một trong những thành phố nổi tiếng thịnh vượng với phong cảnh thiên nhiên, lụa tơ tằm, trà xanh, …
Trải nghiệm nghệ thuật trà
Nhắc đến Hàng Châu, không thể không nhắc đến trà. Nơi đây sở hữu Trà Long Tỉnh nghĩa là trà giếng rồng, được vua Khang Hy phong danh hiệu là “hoàng trà”. Trà có hương thơm đậm ngọt, nước trà màu vàng nhạt ánh xanh, dư vị ngọt lắng đọng.
Bởi hương vị tinh tế và cách thức chế biến, pha trà kỳ công, nên đây cũng là loại trà được ưa chuộng trong giới thượng lưu Bắc Kinh.
Thưởng thức diễn Tống Thành Thiên Cổ Tình
Cùng thuộc trong chuỗi tác phẩm Thiên Cổ Tình, Tống Thành Thiên Cổ Tình là một buổi diễn thực cảnh nổi bật tại Hàng Châu. Show diễn kéo dài hơn một tiếng, tái hiện lịch sử hình thành, quá trình phát triển cùng những đoạn giai thoại nổi tiếng từ thời nhà Tống như Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Thanh Xà - Bạch Xà, …
Du thuyền thưởng ngoạn cảnh đẹp Tây Hồ
Một trong những địa điểm thường xuất hiện trong văn thơ Trung Hoa cổ đại, không thể không nhắc đến là Tây Hồ. Nơi đây là nơi yêu thích của nhà thơ Bạch Cư Dị thời nhà Đường, nhà thơ kiêm thứ sử Tô Đông Pha nhà Tống, vua Càn Long nhà Thanh, …
Nếu đến Tây Hồ, bạn đừng ngại ngần mà thử du ngoạn trên thuyền để tự mình trải nghiệm vẻ đẹp của nơi đây và cảm nhận không gian nên thơ mà những thi nhân thời xưa từng ca tụng.
Điểm Đặc Sắc Tại Tô Châu
Tô Châu là một thành phố có lịch sử lâu đời ở hạ lưu sông Dương Tử. Nơi đây nổi tiếng với những cây cầu đá, chùa và những khu vườn được thiết kế tinh xảo. Một số vườn cây cảnh cổ điển tại đây đã được UNESCO xếp loại là Di sản thế giới.
Chùa cổ Hàn Sơn Tự
Hàn Sơn Tự là một trong mười ngôi chùa nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc. Trong chùa có rất nhiều di tích lịch sử và những bản khắc đá do những danh nhân thi văn xưa viết. Mặc dù được thành lập từ thời nhà Đường, nhưng hầu hết những kiến trúc đình chùa hiện tại ở chùa Hàn Sơn đều được xây dựng từ thời nhà Thanh.
Đặc biệt trong lễ tết cuối năm và đầu năm mới, các nhà sư tại chùa sẽ đánh chuông đồng 108 hồi. Việc này mang hai ý nghĩa chính. Đầu tiên, mỗi năm có 12 tháng, 24 tiết khí, 72 tiết, tổng cộng là 108. Khi đánh chuông 108 lần nghĩa là hết năm, về nhà, tạm biệt cái cũ chào đón cái mới. Thứ hai, theo Phật giáo, con người có 108 điều phiền não, đánh chuông 108 hồi như xóa bỏ mọi phiền não.
Ngoài ra bạn nếu may mắn bạn có thể thưởng thức được món mỳ chay nổi tiếng tại chùa. Tuy chỉ là món ăn đơn giản nhưng mòn mỳ này đã được yêu thích, và được nằm trong danh sách những món ăn nên thử một lần khi đến Tô Châu.
Lâm viên Sư Tử Viên
Cái tên Sư Tử Viên bắt nguồn từ Ngụy Trạch khi đến thăm lâm viên thấy “trong rừng có vạn cây tre, dưới gốc tre có nhiều tảng đá lạ, trông giống như sư tử” nên từ đó tên Sư Tử Viên hay Vườn Sư Tử ra đời.
Khu vườn được xây dựng lần đầu năm 1342, được coi là đại diện của các khu vườn trong triều đại nhà Nguyên. Ban đầu nơi đây là khu vườn hậu viện của một ngôi chùa, sau khu vườn được xây dựng để tưởng nhớ trụ trì Zhongfeng.
Vẻ đẹp của Lâm viên Sư Tử Viên đẹp đến nỗi vào thời hoàng đế Càn Long của nhà Thanh đã ra lệnh cho xây dựng những khu vườn có kiến trúc tương tự tại Cung điện mùa Hè Bắc Kinh, khu nghỉ dưỡng mùa hè ở Thừa Đức, …
Trong lịch sử Trung Hoa, lâm viên này là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng. Đồng thời, nơi đây còn được sử dụng làm bối cảnh trong nhiều bộ phim nổi tiếng như Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng, …
Văn hóa tơ lụa Tô Châu
Có thể coi Tô Châu là quê hương của lụa. Nhiều hiện vật như mảnh vài có niên đại 6000 năm và rất nhiều vật dụng có hình dáng như bánh quay se chỉ được khai quật tại đây.
Xuyên suốt lịch sử phát triển của vải lụa, Tô Châu đã ghi danh với nhiều loại vải lụa nổi tiếng, trong số đó có lụa Tống Cẩm - một trong ba loại lụa nổi tiếng nhất Trung Hoa.
Bên cạnh vải lụa, Tô Châu còn nổi tiếng với kỹ thuật thêu Su, với chủ đề các hình tượng phong cảnh, hoa lá, động vật. Kỹ thuật thêu này phổ biến và trở nên thịnh vượng đến mức không chỉ có người làm nghề thêu, mà những quý nữ kinh thành cũng được học để trau dồi khí chất. Từ đó những sản phẩm thêu cung đình mới ra đời.
Vào thời nhà Thanh, Tô Châu còn được mệnh danh là Trấn Thêu. Tranh thêu Tô Châu đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cần khôi phục nghề truyền thống.
Ẩm thực Tô Châu
Tô Châu nổi bật với nhiều món ăn ngon và tinh xảo, đặc biệt là những món ngọt. Có thể kể đến một số món ngon phổ biến như kem hoa, kem mochi, noujiji, các loại bánh nếp hấp.
Ngoài ra bạn có thể thử các món mì cua, thịt tô đông pha kiểu su, cá chiên, …
Tìm hiểu lịch khởi hành các chương trình tour Du Lịch Bắc Kinh - Thượng Hải tại đây!