TÌM TOUR
Tin tức
Du Lịch Thành Đô - Công viên Gấu Trúc - Cửu Trại Câu - Lạc Sơn
Thành Đô - Cửu Trại Câu là một hành trình khám phá, trải nghiệm thú vị khi được tham quan các khu du lịch được mệnh danh là “thành phố gấu trúc” và “thiên đường hạ giới”.
Điểm Đặc Sắc Tại Thành Đô
Thành Đô nằm ở phía tây nam Trung Quốc, là điểm đến hấp dẫn suốt nhiều năm. Nơi đây mang vẻ đẹp cổ kính lâu đời của nền văn hóa Kim Sa xen lẫn hiện đại. Cùng khám phá xem ở thành phố xinh đẹp có những điểm đến đặc sắc nào nhé!
Công viên gấu trúc Thành Đô
Thành Đô được biết đến như thủ phủ của Pandabiz, nơi hội tụ nhiều “đỉnh lưu” của giới gấu trúc. Vì vậy không thấy kỳ lạ khi cơ sở công viên gấu trúc Thành Đô là một trong những điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua khi ghé thăm thành phố này.
Không chỉ là một điểm tham quan thu hút, Cơ sở công viên gấu trúc Thành Đô (熊猫谷) còn là nơi nghiên cứu, nuôi dưỡng, điều trị và nhân giống gấu trúc. Phần lớn cơ sở được thiết kế mô phỏng môi trường sinh thái hoang dã của gấu trúc. Nhiều căn “biệt thự” gấu trúc được xây dựng rải rác trên núi và rừng dành cho những chú gấu trúc sinh sống tại đây.
Bên cạnh những điểm tham quan trực tiếp nhìn ngắm những chú gấu trúc sinh động, bạn có thể ghé thăm Bảo tàng gấu trúc khổng lồ Thành Đô (成都大熊猫博物馆) , thuộc cơ sở công viên. Bảo tàng chính thức mở cửa đón khách từ năm 2021. Đây là một bảo tàng đặc biệt với vai trò phổ biến kiến thức về sự phát triển của gấu trúc, trưng bày, sưu tầm hiện vật và bảo vệ nghiên cứu học thuật về các loại động vật thực vật quý hiếm.
Ngoài ra, bạn có thể tới check-in tại Tháp gấu trúc (熊猫塔) - tòa nhà căn cứ điểm chỉ huy mới của cơ sở nghiên cứu. Tòa nhà được thiết kế độc đáo với hình dáng như cây măng sau cơn mưa. Sau khi hoàn thành, nơi đây trở thành điểm check-in được nhiều bạn trẻ yêu thích khi ghé thăm công viên gấu trúc Thành Đô.
Ngõ Rộng Ngõ Hẹp
Ngõ Rộng Ngõ Hẹp là một trong mười con đường đẹp nhất Tứ Xuyên, còn tồn tại từ thời nhà Thanh. Khu vực này bao gồm ba con phố chính Ngõ Rộng, Ngõ Hẹp và Ngõ Giếng.
Kiến trúc và hình thức của những căn nhà nằm trong khu vực Ngõ Rộng Ngõ Hẹp vẫn được bảo tồn tốt với những nét đặc trưng của thời nhà Thanh. Tuy nhiên mỗi con phố lại có những điểm đặc sắc riêng đối với du khách ghé thăm.
Ngõ Rộng - Điểm đến cho sự hoài cổ. Nơi đây hiện vẫn còn lưu giữ nhiều tòa nhà từ cuối triều đại nhà Thanh và đầu thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, cùng một tòa nhà theo phong cách phương tây do nhà thờ để lại. Khi ghé thăm nơi này, bạn có thể được trải nghiệm cuộc sống Thành Đô cũ với các phong tục tập quán và phong tục dân gian của nơi đây.
Ngõ Hẹp - Là điểm đến thích hợp với những ai mong muốn một cảm giác thong thả dạo chơi. Những căn nhà trong khu vực này được sử dụng làm những quán cà phê, quán ăn nhẹ, …
Ngõ Giếng - Nằm ở phía nam của ngõ Hẹp, ngõ Giếng có một bức tường văn hóa bằng gạch dài 500 mét từ các triều đại trước và một bức tường ảnh dân gian dài 500m.
Ngoài ra, bạn có thể ghé thăm nhiều điểm đến đặc sắc khác tại khu phố này như cổng Khai Lộ (恺庐) , căn nhà Demenrenli (德门仁里), đá xuyên mã (拴马石), bức tường gach văn hóa (砖文化墙), và tòa nhà nhỏ kiểu phương Tây (小洋楼).
Điểm Đặc Sắc Tại Cửu Trại Câu
Cửu Trại Câu có nghĩa là “thung lũng chín làng” - khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Trung Quốc với mục đích bảo vệ phong cảnh tự nhiên vùng đất này. Vậy khi đến Cửu Trại Câu, bạn nên ghé thăm những địa điểm nào.
Khu thắng cảnh Cửu Trại Câu
Khu thắng cảnh Cửu Trại Câu còn có tên gọi khác là Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Cửu Trại Câu. Nơi đây nằm ở rìa phía nam và thấp ở phía bắc, cao 2000 mét so với mực nước biển. Những đỉnh núi nơi đây phần lớn phủ tuyết quanh năm, vì vậy nhiệt độ ở đây tương đối thấp.
Vào mùa xuân, nhiệt độ trung bình chủ yếu từ 9 đến 18° C. Nhiệt độ tăng nhanh dần khi vào hè, trung bình khoảng 19 - 22° C. Lúc này bạn hãy mang theo một chiếc áo khoác mỏng khi nhệt độ hạ xuống về đêm. Mùa thu thời tiết sẽ mát hơn vào khoảng 7 - 18° C, thời điểm này bạn cần lưu ý mang đủ trang phục do nhiệt độ ngày đêm sẽ chênh lệch khá lớn. Và khi sang đông, nhiệt độ sẽ xuống khoảng 0° C, mặt đất đóng băng và núi phủ kín tuyết.
Khi tới đây, bạn đừng quên ghé thăm hệ thống sông hồ tuyệt đẹp khiến nơi đây được mệnh danh là “Thiên đường hạ giới” như Hồ Ngũ Sắc, Ngũ Hoa Hải, Trường Hải, Lư Vi, Panda, thác nước Nặc Nhật Lãng, thác Trân Châu, ….
Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm về văn hóa người Tây Tạng thông cua chương trình Cửu Trại Thiên cổ tình hoặc Ca múa Tạng - Khương diễn ra vào buổi tối.
Làng văn hóa Tây Tạng
Khi nhắc đến văn hóa dân tộc Tạng, ta thường nghĩ phải đến vùng đất Tây Tạng huyền bí mới có thể trải nghiệm. Tuy nhiên, thực tế người dân tộc Tạng sinh sống ở nhiều địa điểm khác tại Trung Quốc.
Ở Cửu Trại Câu, một trong những nơi có người dân tộc Tạng sinh sống, bạn có thể trải nghiệm văn hóa, kiến trúc, cuộc sống và ẩm thực của người dân khi ghé thăm làng văn hóa Tây Tạng.
Thưởng thức ẩm thực Tây Tạng
Với đặc điểm thường sinh sống tại các vùng núi cao, người dân Tây Tạng đặc biệt có những món ăn với công thức đặc biết giúp cải thiện và tăng cường sức khỏe. Canh dưỡng sinh Tây Tạng là một trong số những món nổi tiếng với công dụng ngăn ngừa lão hóa, giúp cơ thể thanh lọc và tăng cường năng lượng hoạt động cho cơ thể.
Ngoài ra, còn nhiều món ăn đặc trưng khác như lẩu bò yak, trà bơ, mỳ thạch, …
Cửu Trại Thiên Cổ Tình
Cửu Trại Thiên Cổ Tình là một buổi diễn lớn của đạo diễn Trương Nghệ Mưu được tổ chức và diễn ra vào buổi tối tại Cửu Trại Câu. Buổi diễn được chia thành nhiều phần khác nhau như “Truyền thuyết về Cửu Trại Câu”, “Bài ca chiến tranh Khương cổ”, “Hôn nhân Hán - Tạng”, “Tình yêu không biên giới”, và “Sự chúc phúc từ trời đất”.
Đây là một trong những show diễn thú vị dành cho những ai muốn tìm hiểu về nguồn gốc của thung lũng Cửu Trại Câu, và văn hóa của người dân tộc Tạng - Khương sinh sống.
Ca Múa Tạng - Khương
Là một buổi diễn đặc sắc khác được biểu diễn tại Cửu Trại Câu, show diễn Ca múa Tạng - Khương được biểu diễn bởi những người dân địa phương. Tại buổi diễn bạn sẽ được khám phá vũ điệu truyền thống, phong tục và trang phục độc đáo của người Tây Tạng và Khương.
Thành cổ Tùng Phan
Thành cổ Tùng Phan là một di tích lịch sử quan trọng. Nơi đây được xây dựng từ thời nhà Minh, cao 10m , rộng 30m và dài 6.200m. Đỉnh của ba cổng thành nằm ở phía đông, nam và bắc đều có hình bán nguyệt. Cổng thành được chạm khắc nhiều loại phù điêu độc đáo, mang hơi hướng cổ xưa và vẫn giữ được nét cổ kính.
Vào thời nhà Đường, nơi đây là cổng thành ngăn cách biên giới nhà Đường và Tubo (Tây Tạng ngày nay). Nơi đây đồng thời từng là nơi diễn ra sự kiện hòa thân của Hoàng đế Tây Tạng cùng công chứa Văn Thành nổi tiếng trong lịch sử.
Điểm Đặc Sắc Ở Lạc Sơn
Thành phố Lạc Sơn trước đây còn được gọi là Gia Châu, thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Nơi đây được mệnh danh là “Xứ sở hoa thu hải đường” với bề dày lịch sử và văn hóa. Lạc Sơn sở hữu ba di sản thế giới bao gồm Di sản Văn hóa và Thiên Nhiên Thế giới - Núi Nga Mi, Tượng phật khổng lồ Lạc Sơn Đại Phật, và Di sản Kỹ thuật Thủy lợi Thế Giới - Đập Đông Phong. Ngoài ra còn nhiều địa điểm tham quan đặc sắc khác như bảo tàng giấy, bảo tàng lăng mộ vách đá Mahao, …
Lạc Sơn Đại Phật
Lạc Sơn Đại Phật hay còn gọi là Lăng Vân Đại Phật, có tên đầy đủ là “Tượng đá Đại Di Lặc ở chùa Lăng Vân Tự”. Được tạc khắc ở bên hông chùa Lăng Vân đối mặt với sông Nanmin tại Lạc Sơn. Bức tượng được xây dựng từ năm Khai Nguyên đầu tiên nhà Đường (713 SCN) đến năm Trinh Nguyên 19 (803), khoảng 90 năm mới hoàn thành.
Nguồn gốc xây dựng tượng Phật này có nhiều ghi chép ghi lại rằng người khởi xướng là hòa thượng Hải Thông. Vì muốn cản thế nước hung hãn của ba con sông Mân Giang, Đại Độ, Thanh Y thường gây ra tai ương cho người dân địa phương, mà đã hóa duyên suốt 20 năm trời để gom kinh phí tạng tượng phật nhằm cản lực chảy của dòng nước. Tuy nhiên, ông lại viên tịch khi bức tượng mới hoàn thành được một nửa. Sau này, bức tượng được hoàn thành qua hai đời quan viên tiết độ sứ Tây Châu.
Ngoài ra cũng có một truyền thuyết khác về nguồn gốc của Lạc Sơn Đại Phật và hai bức tượng khác. Khi xưa, có một đám mây mù từ trên trời giáng xuống trấn Thái Bình. Một vị hòa thượng hiện ra từ trong mây nói rằng “Tứ Xuyên có ba vị phật, là ba anh em. Đại Phật rửa chân ở Lạc Sơn, Nhị Phật nằm ngủ ở huyện Vinh, Tam Phật ngồi ở đây canh Ngàn Phật”. Nói xong vị hòa thượng cũng biến mất.
Trùng hợp, đến năm 1985, một người dân vô tình chụp được một bức ảnh phát hiện dáng núi như một vị phật đang nằm ngủ tại huyện Vinh. Vì vậy, lời tương truyền kia đã ứng nghiệm. Chính vì lý do này ba bức tượng luôn được dân chúng tin rằng ba địa điểm có tượng Phật ở Tứ Xuyên đều rất linh thiêng.
Trải qua hàng ngàn năm, bức tượng cũng trải qua vài lần tu sửa nhưng hoàn toàn giữ nguyên được hình dáng ban đầu, chưa hề có dấu hiệu sụp đổ, đại diện cho một sự trường tồn cùng thời gian.
Thưởng thức ẩm thực Tứ Xuyên
Lẩu Tứ Xuyên - một món ăn dành cho những tín đồ ăn cay trên toàn thế giới phải gặp thử thách. Do văn hóa và khí hậu, phần lớn ẩm thực của vùng Tứ Xuyên mang hương vị tê cay. Đặc biệt, lượng ớt dùng trong món lẩu Tứ Xuyên khiến bất kỳ ai theo dõi quá trình nấu đều e dè.
Khi nhắc đến lẩu Tứ Xuyên, thường bạn sẽ nghe thêm về lẩu Trùng Khánh và lẩu Thành Đô. Cả hai loại đều bắt nguồn từ Lẩu Tứ Xuyên, tuy nhiên, do sự thay đổi về phân bổ quản lý địa phận, mà hai thành phố được tách ra và có tên gọi như ngày nay.
Lẩu Thành Đô có vị nhạt và ít cay hơn lẩu Trùng Khánh, và thường được ngăn đôi với một phần cay và không cay, hay còn gọi là Lẩu uyên ương.
Nếu bạn là người yêu thích ăn cay, hãy thử thưởng thức để xem khả năng của mình đến đâu, vì lẩu Tứ Xuyên còn khiến nhiều người dân bản địa phải “sợ hãi” về mức độ cay đó!
Tham khảo chương trình và lịch khởi hành cho chuyến đi tới Thành Đô - Cửu Trại Câu.